Cơ Chế bẫy của cây bẫy ruồi (FlyTrap)

Khám phá bí ẩn của cây bắt ruồi

Lá cây bắt ruồi cong mình ra chờ con mồi.

Các nhà khoa học Pháp và Mỹ tin rằng họ đã biết được bằng cách nào cây bắt ruồi - một trong những sinh vật kỳ diệu của tạo hóa - có thể bất thần kẹp chặt nạn nhân của nó.

Cây bắt ruồi từng được Charles Darwin mô tả như "một trong những loài thực vật kỳ diệu nhất trên thế giới". Loài cây này có thể tóm chặt một con ruồi bay qua bằng những cái lá hình vỏ sò của nó chỉ trong 100 miligiây, nhanh hơn cả một cái chớp mắt.

Các nhà khoa học từ lâu tự hỏi bằng cách nào cây bắt ruồi có thể thực hiện cú săn mồi ngoạn mục này, dù cho nó không hề có các cơ và tế bào thần kinh như những động vật cử động nhanh.

Câu trả lời, được công bố hôm qua, là sức căng của thực vật.

Đầu tiên, cây bắt ruồi uốn cong những cái lá dẻo dai của chúng ra sau, đến mức bề mặt của chúng lồi lên, giống như một nửa quả bóng tennis lộn từ trong ra ngoài. Khi đóng cái bẫy này, thực vật giải phóng năng lượng ở dạng sức bật. Lá cây lập tức nhảy từ hình lồi sang hình lõm, như thể nửa quả bóng đột nhiên bung trở lại hình dạng ban đầu. Gờ của hai chiếc lá khóa lại với nhau, và con côn trùng bị kẹp trong bẫy.

Nghiên cứu do Lakshminarayanan Mahadevan, một giáo sư gốc Ấn Độ chuyên về sinh học tiến hóa và toán học ứng dụng tại Đại học Harvard, Mỹ, và cộng sự thực hiện.

Các nhà nghiên cứu đã lập mô hình sự thay đổi hình học này bằng cách bôi những đốm sơn huỳnh quang cực tím rất nhỏ trên bề mặt ngoài của lá. Sau đó, họ quay phim quá trình lá đóng kín dưới tia cực tím, sử dụng máy quay tốc độ cao. Phim đã cho thấy lá cây bắt ruồi đột ngột chuyển từ mặt lồi sang mặt lõm khi sập bẫy.

Những nghiên cứu trước kia đã giả định rằng cây bắt ruồi nhử côn trùng bằng một thứ mùi thơm phát ra từ bên trong bề mặt lá. Khi ruồi giẫm chân lên, cử động này sẽ kích thích và khiến cây khép lại. Song người ta vẫn chưa hiểu rõ cơ chế chính xác nào cây có thể chuyển tín hiệu kích thích thành cơ chế đóng trong một thời gian nhanh như thế.

trích từ:"http://www.vnexpress.net/GL/Khoa-hoc/2005/01/3B9DAFED/"